Đừng xem nhẹ cơn đau cột sống
Nhiều người thường chủ quan khi gặp phải tình trạng đau thắt lưng hoặc cổ gáy, cho rằng đó chỉ là những cơn đau thoáng qua do sai tư thế hoặc hoạt động quá sức. Những suy nghĩ như: “Chỉ đau nhẹ thôi, nghỉ ngơi là hết”, “Bệnh người già, trái gió trở trời một chút, rồi sẽ khỏi”, hoặc “Do chơi thể thao quá nhiều, nghỉ vài ngày sẽ đỡ” rất phổ biến. Thậm chí, nhiều người còn trì hoãn việc khám bệnh với lý do: “Công việc bận quá, còn chịu được thì để sau cũng được”.
Tuy nhiên, mặc dù nghỉ ngơi là cần thiết, việc thăm khám kịp thời cũng rất quan trọng. Các chuyên gia y tế sẽ giúp chẩn đoán chính xác nguyên nhân và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Nếu không được can thiệp đúng cách, những cơn đau nhẹ có thể tiến triển thành bệnh lý nghiêm trọng, gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống và khả năng vận động lâu dài. Việc chủ động chăm sóc sức khỏe ngay từ đầu sẽ giúp người bệnh không chỉ giảm đau nhanh chóng mà còn ngăn ngừa biến chứng về sau.
💠Các vị trí đau cột sống khác nhau trên người bệnh sẽ báo hiệu các bệnh lý khác nhau.
Cột sống gồm xương và mô liên kết, là bộ khung chắc chắn, dẻo dai, có thể cúi, gập, nghiêng, xoay. Cột sống bảo vệ tủy sống ở trong, nâng đỡ đầu, là điểm bám cho xương sườn, khung chậu, cơ vùng lưng và chi trên.
Cột sống được chia thành các đoạn bao gồm cột sống cổ, ngực, thắt lưng, cùng cụt. Các bệnh lý cơ xương khớp hay gặp như thoái hóa, thoát vị đĩa đệm thường xuất hiện ở đốt sống lưng, cổ do chịu áp lực lớn trong các hoạt động thường ngày.
💠Các nguyên nhân thường gặp của đau cổ, lưng như sau
– Thoát vị đĩa đệm
– Thoái hóa cột sống
– Căng cơ
– Chấn thương
– Sai tư thế
Vậy mức độ nghiêm trọng của các vị trí đau đó như thế nào
Người bệnh đau mỏi cổ gáy có thể đau tại chỗ hoặc lan ra 2 vai hoặc vùng giữa 2 xương bả vai, mà dân gian hay gọi là “vùng với không tới”. Còn đau thắt lưng có thể lan xuống mông, chân, thường gọi là “đau thần kinh tọa”. Thậm chí kèm tê tay chân nếu có chèn ép rễ thần kinh cổ hoặc thắt lưng. Mức độ nghiêm trọng phụ thuộc nhiều yếu tố: tuổi, giới, cơ địa, áp lực cơ học, bệnh lý đi kèm, đau cấp hay mãn tính, điều trị có tích cực hay không…
Dù đau cấp hay mãn tính, vùng đau rộng hay không thì người bệnh cũng nên đi khám để bác sĩ theo dõi tình trạng bệnh của mình.
💠Người bệnh nên thay đổi lối sống và cách sinh hoạt như thế nào để giúp phòng ngừa, giảm nhẹ bệnh lý đau lưng?
– Giảm cân nếu thừa cân béo phì: Thừa cân béo phì làm tăng tải trọng lên cột sống, nhất là vùng từ thắt lưng xuống chân.
– Tập thể dục hàng ngày giúp các khớp và cột sống được vận động dẻo dai, linh hoạt, tránh lối sống tĩnh tại dễ gây cứng khớp lại thúc đẩy thừa cân.
– Tránh khom lưng, cúi cổ, xách nặng, làm việc nặng.
– Tránh ngồi lâu, đi hoặc đứng lâu. Chỉ nên duy trì các tư thế tầm khoảng 45-60 phút hoặc vừa với ngưỡng đau của mình, sau đó thay đổi tư thế tầm 3-5 phút rồi lại tiếp tục công việc của mình.
– Tránh nằm võng, ghế bố, hoặc nệm lún. Hạn chế sử dụng điện thoại, máy vi tính nếu không cần thiết. Mang đai lưng để bảo vệ cột sống thắt lưng.
– Khi có triệu chứng khó chịu thì người bệnh nên khám và điều trị dưới sự theo dõi chặt chẽ của bác sĩ, tránh uống các loại thuốc không rõ nguồn gốc sẽ gây nhiều tác dụng phụ và làm các “can thiệp” không đúng cách ở những nơi không uy tín sẽ gây tiền mất tật mang, bệnh nặng lâu khỏi.
Tác giả: Bác sĩ Chuyên khoa I – Lê Thị Thúy Hằng
Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM – Cơ sở 3