Hội chứng ống cổ tay cần kiểm tra và điều trị đúng cách

Thần kinh - 11/11/2024

Gần đây, mạng xã hội lan truyền bài kiểm tra nhanh về hội chứng ống cổ tay, khiến nhiều người tự chẩn đoán tại nhà. Tuy nhiên, độ đáng tin cậy của phép thử này cần được cân nhắc ở nhiều phương diện mà bác sĩ đề ra dưới đây.

💠Không phải “kim chỉ nam” duy nhất

Bác sĩ chuyên khoa I – Võ Văn Long, Phó trưởng Đơn vị điều trị ban ngày, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM – Cơ sở 3, cho biết bài kiểm tra nhanh về ống cổ tay đang lan truyền thực chất là nghiệm pháp Phalen, một phương pháp lâm sàng thường dùng để đánh giá sơ bộ hội chứng ống cổ tay, được thực hiện chính xác như sau: Người bệnh gập hai cổ tay 90 độ sát vào nhau và giữ tư thế đó trong 60 giây. Nghiệm pháp này dương tính khi các triệu chứng cảm giác xuất hiện theo vùng chi phối của dây thần kinh giữa.

Tuy nhiên, kết quả từ nghiệm pháp Phalen dễ bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như thời gian thực hiện, tư thế và sức khỏe người thực hiện. Do đó, không nên dựa vào kết quả này để tự kết luận về tình trạng bệnh mà cần dựa vào các tiêu chuẩn chẩn đoán.

Theo Viện Hàn lâm Thần kinh học Mỹ (American Academy of Neurology – AAN), các tiêu chuẩn chẩn đoán hội chứng ống cổ tay bao gồm:

💠Triệu chứng lâm sàng

– Tê hoặc đau ở bàn tay, có thể lan lên cẳng tay, cánh tay.

– Dị cảm hoặc tê bì, mất cảm giác ở vùng da do thần kinh giữa chi phối.
– Yếu vận động bàn tay do thần kinh giữa chi phối, dẫn đến vụng về, rơi đồ.

– Da bàn tay khô, thay đổi màu sắc.

– Các triệu chứng xuất hiện dọc theo đường đi của dây thần kinh giữa (ở bàn tay, dây thần kinh giữa đi qua ống cổ tay và cung cấp cảm giác cho các ngón tay cái, ngón trỏ, ngón giữa và 1 phần 3 ngón áp út).

Ngoài ra, các đặc điểm kèm theo còn có: Triệu chứng thường xuất hiện ban đêm; khởi phát sau khi giữ nguyên một tư thế hoặc thực hiện lặp đi lặp lại một động tác cổ tay và bàn tay; triệu chứng thường giảm khi thay đổi vận động hay tư thế bàn tay, cổ tay.

“Chẩn đoán về bệnh lý này được xác định khi có một triệu chứng cơ năng hoặc một triệu chứng thực thể kết hợp với kết quả EMG (điện cơ đồ) chi trên”, bác sĩ Võ Văn Long nói và cho biết triệu chứng cơ năng là các triệu chứng mà người bệnh cảm nhận được; trong khi đó triệu chứng thực thể thu được qua thăm khám.

💠Đa phần không rõ nguyên do

Theo bác sĩ Võ Văn Long, hội chứng ống cổ tay đa phần là nguyên phát (vô căn, không rõ nguyên nhân). Các yếu tố có nguy cơ gây bệnh gồm:

– Ống cổ tay nhỏ bẩm sinh

– Nữ giới (vì một số lý do liên quan tới giải phẫu, di truyền, hormone…)

– Điều kiện lao động: Một số công việc thường xuyên yêu cầu duy trì một tư thế cổ tay trong thời gian dài như gõ bàn phím máy tính, nói chuyện điện thoại (cầm điện thoại lên tai), nhắn tin, chạy xe gắn máy… gây tăng áp lực trong ống cổ tay.

– Bên cạnh đó, một số nguyên nhân thứ phát được đề cập là: Tiểu đường, bệnh tuyến giáp, suy thận… làm tổn thương thần kinh ngoại biên, trong đó có thần kinh giữa; viêm khớp dạng thấp; mang thai, mãn kinh, béo phì (do tình trạng giữ nước làm tăng áp lực trong ống cổ tay, chèn ép dây thần kinh giữa); chấn thương, gãy xương, trật khớp vùng cổ tay.

“Hội chứng ống cổ tay nguyên phát dường như tiến triển theo thời gian, mặc dù có sự dao động khác nhau tùy theo đặc điểm riêng của từng cá thể người bệnh, có thể dẫn đến tổn thương dây thần kinh giữa vĩnh viễn. Nếu các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hoặc không cải thiện trong vòng 3 tháng điều trị bảo tồn, người bệnh nên thực hiện phẫu thuật”, bác sĩ Long nói thêm.

💠Điều trị hội chứng ống cổ tay

Tùy vào mức độ nghiêm trọng, người bệnh có thể lựa chọn điều trị bằng y học hiện đại và y học cổ truyền. Đối với y học hiện đại, có 3 phương pháp được bác sĩ nêu ra:

– Điều trị bảo tồn: Áp dụng cho trường hợp nhẹ, bao gồm nghỉ ngơi, dùng thuốc, nẹp cổ tay để cố định và giảm áp lực. Các bài tập vật lý trị liệu như kéo giãn, xoa bóp, siêu âm, điện xung… cũng có tác dụng giảm đau và tăng cường lưu thông máu.

– Tiêm corticoid: Giúp giảm viêm và sưng trong ống cổ tay nếu triệu chứng nghiêm trọng.

– Phẫu thuật: Chỉ định khi điều trị bảo tồn không hiệu quả, bệnh trở nên nghiêm trọng, hoặc dây thần kinh bị tổn thương. Bác sĩ sẽ phẫu thuật giải phóng dây thần kinh giữa, giúp giảm triệu chứng đau và tê bì.

– Đối với y học cổ truyền, người bệnh có thể thử liệu pháp châm cứu, giúp kích thích tuần hoàn máu và làm giảm sưng viêm ở ống cổ tay. Ngoài ra, điện châm cũng là một phương pháp châm cứu được phát triển trong quá trình ứng dụng điều trị kết hợp y học cổ truyền và y học hiện đại, hỗ trợ kiểm soát đau hoặc yếu cơ.

Bên cạnh đó, xoa bóp bấm huyệt, các bài thuốc cổ phương và liệu pháp nhiệt (nóng hoặc lạnh) cũng được bác sĩ Võ Văn Long đề xuất trong trị liệu hội chứng ống cổ tay. Áp khăn nóng hay túi đá lên vùng cổ tay khoảng 10-15 phút mỗi lần có thể giúp giảm sưng và giảm triệu chứng của bệnh lý này.

Trong sinh hoạt hằng ngày, để phòng ngừa và giảm thiểu triệu chứng của bệnh, cần thường xuyên thay đổi vị trí đặt tay, nhất là các tư thế có nguy cơ phát triển thành hội chứng ống cổ tay đã đề cập trong bài. Bác sĩ Võ Văn Long cũng khuyên mọi người cần tránh gối đầu lên tay khi ngủ và đi thăm khám để được điều trị sớm các nguyên nhân thứ phát của bệnh.

💠Cơ chế tác động của cấy chỉ

Theo bác sĩ chuyên khoa 1 Võ Văn Long, Phó trưởng Đơn vị điều trị ban ngày, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cơ sở 3, cấy chỉ là phương pháp kết hợp giữa y học cổ truyền và y học hiện đại trong điều trị hội chứng ống cổ tay, tuân theo các nguyên tắc chọn huyệt tương tự như châm cứu.

Chỉ đóng vai trò là một protein tự tiêu nên khi được cấy vào huyệt vị sẽ có tác dụng tăng chuyển hóa mạnh mẽ. Trong quá trình chỉ tự tiêu, sẽ tạo ra các phản ứng hóa sinh tại chỗ: Tăng tái tạo protein và carbohydrate, giảm dị hóa, tăng đồng hóa, tăng protein, giảm axit lactic, tăng dinh dưỡng cho cơ; tăng sinh lưới mao mạch, cải thiện tuần hoàn máu ở vùng cấy chỉ, đồng thời có thể sản sinh những sợi thần kinh mới trong bó cơ.

Tác giả: Bác sĩ Chuyên khoa I – Võ Văn Long
Phó Trưởng Đơn vị Điều trị ban ngày
Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM – Cơ sở 3