Khuyến cáo chế độ ăn cho người bệnh viêm khớp dạng thấp

Cơ xương khớp - 30/08/2024

Viêm khớp dạng thấp là bệnh lý tự miễn, khi cơ thể xuất hiện các bất thường miễn dịch làm gia tăng tình trạng viêm tại màng hoạt dịch của khớp.

Viêm khớp dạng thấp ảnh hưởng đến 0.5% dân số, tỉ lệ gặp ở nữ cao gấp 2 – 3 lần nam giới, thường trong độ tuổi từ 35 – 50 tuổi. Các yếu tố nguy cơ của viêm khớp dạng thấp gồm:

  • Hút thuốc.
  • Béo phì.
  • Sử dụng hormone giới tính.
  • Thuốc (ví dụ: các bệnh lý phải sử dụng thuốc ức chế miễn dịch).
  • Những thay đổi về hệ vi sinh vật ở ruột, miệng và ở phổi.
  • Bệnh nha chu.

Bên cạnh việc điều trị thuốc đặc hiệu theo hướng dẫn của bác sĩ, chế độ ăn uống cũng góp phần quan trọng trong việc cải thiện triệu chứng.

Nghiên cứu của Marta và cộng sự năm 2020, đăng trên Elsevier, về xây dựng chế độ ăn có tác dụng kháng viêm cho người bệnh viêm khớp dạng thấp. Các tính chất được lưu ý khi lựa chọn thực phẩm gồm: khả năng chống oxy hóa, khả năng điều hòa hệ vi sinh vật đường ruột, tính tăng cường hệ miễn dịch, và ngược lại là các thực phẩm có tính chất tăng các yếu tố gây viêm.

Tác giả phân nhóm các tính chất trên với các loại thực phẩm đi kèm. Ví dụ như nhóm thực phẩm chứa hàm lượng omega 6/3 PUMA, có vai trò giúp chống viêm và cải thiện các triệu chứng tự miễn, được tìm thấy trong thịt của cá mòi, cá ngừ, khuyến cáo ăn khoảng 2 lần/ tuần bên cạnh các loại hạt. Nhóm rau củ quả họ Cà (Solanaceae) có chứa glycoalkaloids, có vai trò tăng cường tính thấm của ruột. Việc gia thêm các thực phẩm như tỏi, hành, bí đỏ, cà rốt, rau củ lá xanh, giúp hỗ trợ sự tiêu hóa ở đường ruột, và tăng cường các yếu tố chống oxy hóa. Trà xanh, được sử dụng như một loại thức uống hằng ngày, được nghiên cứu chứa các polyphenol giúp giảm các yếu tố viêm trên mô hình chuột gây viêm khớp dạng thấp.

Nghiên cứu của tác giả J.U. Scher và cộng sự, năm 2013, cho thấy sự gia tăng của vi khuẩn Prevotella copritrong hệ tiêu hóa được tìm thấy ở những người bệnh viêm khớp dạng thấp giai đoạn khởi phát sớm, gợi ý vai trò của vi khuẩn này trong sinh lý bệnh viêm khớp dạng thấp. Bên cạnh đó, trimethylamine-N-oxide, một yếu tố tiền viêm được chuyển hóa từ choline và carnitine qua vi khuẩn Prevotella copri, tăng lên tương ứng với hàm lượng choline và carnitine có trong thịt đỏ, trứng, và các thực phẩm chế biến sẵn (phô mai, sữa,…). Mặc dù không nên kiêng hoàn toàn nhưng cần hạn chế các loại thịt đỏ, các thực phẩm chế biến sẵn, đặc biệt là thức ăn chiên, nướng, thay vào đó, khuyến khích chế biến theo phương pháp hấp, luộc, đun sôi. Việc bổ sung thêm các lợi khuẩn có trong sữa chua, súp miso (Nhật),… giúp giảm các yếu tố gây viêm và cải thiện các triệu chứng của bệnh viêm khớp dạng thấp.

Trong y học cổ truyền, các dược liệu như gừng, nghệ, quế, được nghiên cứu nhiều về tác dụng chống oxy hóa và kháng viêm, sử dụng thường xuyên trong chế biến bữa ăn hàng ngày. Hiện nay, nhiều dược liệu đã được nghiên cứu để ứng dụng trong điều trị các bệnh lý viêm khớp. Như cây Móng quỷ (Harpagophytum procumbens), với các chiết xuất chính gồm harpagide, harpagoside, acteoside là các hoạt chất sinh học chính có tác dụng kháng viêm và chống oxy hóa. Vị thuốc Nhũ hương chiết xuất từ nhựa cây nhũ hương (Boswellia serrata) cũng là một vị thuốc có tác dụng kháng viêm, được nghiên cứu trong điều trị viêm khớp dạng thấp.

Tác giả: Bác sĩ Phạm Ánh Ngân

Tài liệu tham khảo:

  • Marta F. Bustamante, et.al, Design of an anti-inflammatory diet (ITIS diet) for patients with rheumatoid arthritis, Contemporary Clinical Trials Communications, Volume 17, 2020, 100524, ISSN 2451-8654.
  • Gxaba N, Manganyi MC. The Fight against Infection and Pain: Devil’s Claw (Harpagophytum procumbens) a Rich Source of Anti-Inflammatory Activity: 2011-2022. Molecules. 2022 Jun 6;27(11):3637.