Lạm dụng cạo gió – Chuyên gia Y học cổ truyền nói gì?
Cạo gió, là một trong 6 phương pháp điều trị của Y học cổ truyền hay còn gọi là “biếm pháp”, 6 phương pháp này bao gồm: biếm, châm, cứu, thuốc, xoa bóp và dưỡng sinh. Trong Y học cổ truyền Việt Nam, Cạo gió thường được áp dụng khi cơ thể gặp phải các triệu chứng cảm mạo như cảm lạnh, sốt, đau đầu hay mệt mỏi. Ở Trung Quốc, phương pháp này được gọi là “guā shā” (刮痧), cũng nhằm mục đích sơ tán tà khí, thúc đẩy lưu thông khí huyết, và điều hòa chức năng của các cơ quan nội tạng. Cạo gió sử dụng các vật dụng có cạnh nhẵn như thìa, đồng xu hoặc rìa bát để tác động lên các hệ thống kinh lạc, cân cơ của Y học cổ truyền, giúp giải quyết các tắc nghẽn trong cơ thể.
Tác dụng của Cạo gió theo Y học cổ truyền: Cạo gió giúp sơ thông kinh lạc, thư cân lý khí, khu phong tán hàn, và hoạt huyết hóa ứ, từ đó giúp cơ thể loại bỏ tà khí gây bệnh, giảm các triệu chứng đau nhức, căng thẳng cơ bắp, và cải thiện tuần hoàn máu. Cạo gió còn giúp điều chỉnh âm dương, tăng cường khả năng phòng chống bệnh tật của cơ thể và hỗ trợ quá trình phục hồi sau khi bị ốm.
Tác dụng của Cạo gió theo Y học hiện đại: Cạo gió có tác dụng kích thích tuần hoàn máu, giảm đau, và giãn cơ. Quá trình Cạo gió làm tăng lưu lượng máu dưới da, giúp cải thiện quá trình trao đổi chất, loại bỏ độc tố và giảm viêm. Nghiên cứu cũng cho thấy Cạo gió có thể giúp tăng cường hệ miễn dịch, giảm stress, và hỗ trợ phục hồi sau căng cơ hoặc chấn thương nhẹ. Tuy nhiên, cần thận trọng khi thực hiện trên người có các bệnh lý đặc biệt để tránh biến chứng không mong muốn.
Khi có các triệu chứng nào thì nên cạo gió?
Theo Y học cổ truyền, các bệnh lý được biện chứng theo bát cương (gồm: âm-dương, hư-thực, hàn-nhiệt, biểu-lý), từ đó áp dụng các phương pháp trị liệu phù hợp dựa trên bát pháp (gồm: hãn, thổ, hạ, hòa, ôn, thanh, tiêu, bổ). Cạo gió là một phương pháp trị liệu chủ yếu nhằm xử lý các tình trạng bệnh phát sinh do ngoại tà xâm nhập vào cơ thể (phong, hàn,thấp). Cạo gió giúp bài xuất nhiệt độc, đẩy tà khí ra ngoài qua lỗ chân lông, từ đó sơ thông kinh lạc và tuyên phát vệ khí, giúp khí huyết lưu thông, cải thiện triệu chứng cảm mạo, nóng sốt, đau nhức cơ thể.
Cụ thể, chỉ nên Cạo gió khi người bệnh có các triệu chứng điển hình của cảm lạnh như: hắt hơi, sổ mũi, nghẹt mũi, đau đầu, ớn lạnh, cảm giác gai người, sốt nhẹ, khó chịu, sợ lạnh, sợ gió, và có rêu lưỡi trắng mỏng. Những triệu chứng này chỉ ra rằng cơ thể đang bị cảm ngoại tà và Cạo gió có thể giúp giải phóng tà khí, hỗ trợ tuần hoàn khí huyết và thông kinh lạc.
Tuy nhiên, đối với cảm nóng (phong nhiệt), người bệnh thường có biểu hiện đau họng, miệng khô, sốt cao, ra nhiều mồ hôi, sợ gió, kèm theo ho có đờm, khát nước, nước tiểu vàng. Trong trường hợp này, không nên Cạo gió hay đánh cảm, mà cần phải điều trị bằng thuốc để hạ nhiệt và thanh nhiệt cơ thể, vì Cạo gió lúc này có thể khiến bệnh trở nên nặng hơn.
Gần đây, phạm vi áp dụng liệu pháp Cạo gió cũng dần dần được mở rộng như: Khi có các triệu chứng đau cục bộ như đau lưng, đau vai gáy, tứ chi do phong hàn thấp. Hoặc các triệu chứng khác như nhức đầu, chóng mặt, khó tiêu, ngủ không ngon giấc, ho, nôn mửa, đầy bụng, đau bụng, tiêu chảy, di chứng tai biến mạch máu não, đau thần kinh tọa, thoái hóa đốt sống thắt lưng.
Người cao tuổi, trung niên có nên cạo gió không? Tần suất cạo gió bao nhiêu là an toàn?
Người cao tuổi và trung niên có thể Cạo gió, nhưng cần thận trọng và xem xét kỹ lưỡng các yếu tố sức khỏe của từng cá nhân. Nếu họ không mắc các bệnh lý nghiêm trọng và không thuộc vào nhóm đối tượng chống chỉ định, Cạo gió có thể giúp giảm các triệu chứng cảm lạnh, đau nhức cơ thể. Tuy nhiên, việc này cần được thực hiện bởi những người có chuyên môn và kinh nghiệm.
Những đối tượng không nên Cạo gió:
1. Da quá mỏng hoặc mất độ đàn hồi: Người có làn da nhạy cảm, dễ bị tổn thương không nên Cạo gió vì có thể gây tổn thương cho da.
2. Da nổi mẩn đỏ, sưng, nóng, đau: Những người mắc các bệnh về da như viêm da herpes, mụn nhọt hay có dấu hiệu nhiễm trùng cũng không nên thực hiện Cạo gió.
3. Người bị giãn tĩnh mạch: Những người có tĩnh mạch bị giãn nên hạn chế Cạo gió hoặc thực hiện cẩn thận với lực nhẹ hơn.
4. Bệnh lý nặng: Người bị suy kiệt, huyết áp thấp, hạ đường huyết, suy nhược, suy tim, suy thận, xơ gan hoặc phù nề nghiêm trọng không nên Cạo gió.
5. Người bệnh hemophilia hoặc giảm tiểu cầu: Những người mắc bệnh lý về máu như hemophilia, giảm tiểu cầu cần tránh Cạo gió vì nguy cơ chảy máu cao.
6. Gãy xương hoặc trong quá trình liền xương: Người bị gãy xương hoặc những người vừa phẫu thuật không nên Cạo gió, cần đợi ít nhất hai tháng sau khi hồi phục.
7. Phụ nữ mang thai: Đối với phụ nữ mang thai, đặc biệt là ở vùng bụng dưới, Cạo gió không được khuyến khích do có thể ảnh hưởng đến thai nhi.
8. Trẻ em: Trẻ em là đối tượng chống chỉ định với mọi hình thức Cạo gió.
9. Người bị bệnh tim mạch và cao huyết áp: Những người mắc bệnh tim mạch hoặc cao huyết áp cần tránh Cạo gió vì có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm.
Thời gian và tần suất khi Cạo gió:
– Thời gian cạo: Mỗi vùng cạo chỉ nên kéo dài từ 3 – 5 phút, và không quá 10 phút cho toàn bộ liệu trình. Cạo xong chỗ này mới cạo sang chỗ khác, lần cạo sau cách lần cạo trước từ 3 đến 6 ngày để vết cạo lần trước kịp tan đi.
– Giữ ấm: Sau khi Cạo gió, cần giữ ấm cơ thể và tránh gió lạnh, đặc biệt trong mùa đông. Nên tránh để quạt thổi vào người sau khi cạo.
– Khử trùng: Đảm bảo khử trùng dụng cụ Cạo gió trước và sau khi thực hiện.
– Chăm sóc sau liệu pháp: Sau Cạo gió, nên ăn một bát cháo hành để giải cảm và tuyệt đối không ăn đồ lạnh.
Nhiều người thường lạm dụng việc cạo gió, cạo nhiều lần trong ngày và thậm chí cạo không đúng triệu chứng bệnh. Điều này gây ra những hệ quả gì cho sức khỏe?
Việc lạm dụng Cạo gió liên tục có thể dẫn đến những tổn hại nghiêm trọng cho cấu trúc mô da. Không những không mang lại hiệu quả trong việc giảm mệt mỏi, mà còn có thể làm bệnh nặng hơn. Cạo gió quá mức sẽ gây ra tình trạng sung huyết, khiến cho da bị sưng đỏ và có thể tạo ra các vết bầm tím. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn làm mất tính thẩm mỹ, khiến người bệnh cảm thấy không thoải mái và tự ti về diện mạo của mình. Do đó, việc thực hiện Cạo gió cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng, tuân thủ đúng cách và không nên lạm dụng để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
Nên cạo gió vào lúc nào trong ngày, đặc biệt với người lớn tuổi, người có sức khỏe yếu?
Buổi sáng là thời điểm lý tưởng để Cạo gió, vì cơ thể đã nghỉ ngơi qua đêm, năng lượng và khí huyết trong cơ thể sẽ được lưu thông tốt hơn. Cạo gió vào buổi sáng có thể giúp tăng cường sức khỏe và tinh thần cho cả ngày. Nên tránh Cạo gió vào buổi tối. Việc Cạo gió vào buổi tối có thể làm tăng nhiệt độ cơ thể, ảnh hưởng đến giấc ngủ. Đối với người lớn tuổi và những người có sức khỏe yếu, nên theo dõi phản ứng của cơ thể sau khi Cạo gió. Nếu thấy có dấu hiệu bất thường như chóng mặt, buồn nôn thì nên dừng ngay và tham khảo ý kiến bác sĩ.
* Tài liệu tham khảo:
1. Chu, E. C. P., Wong, A. Y. L., Sim, P., & Krüger, F. (2021). Exploring scraping therapy: Contemporary views on an ancient healing – A review. Journal of family medicine and primary care, 10(8), 2757–2762. https://doi.org/10.4103/jfmpc.jfmpc_360_21
2. Nielsen, A., Knoblauch, N. T., Dobos, G. J., Michalsen, A., & Kaptchuk, T. J. (2007). The effect of Gua Sha treatment on the microcirculation of surface tissue: a pilot study in healthy subjects. Explore, 3(5), 456-466.
Tác giả: BS CKI. Lâm Nguyễn Thùy An