Loét tì đè – Biến chứng nguy hiểm cần phòng ngừa và điều trị kịp thời

Lão khoa - 01/04/2025

Loét tì đè (Pressure Ulcers/Bedsores) là tổn thương da và mô mềm bên dưới do áp lực kéo dài tại các điểm tì đè của cơ thể, làm tắc nghẽn tuần hoàn mao mạch, dẫn đến thiếu oxy, hoại tử mô. Nếu không được điều trị đúng cách, vết loét có thể nhiễm trùng sâu, lan rộng đến xương (viêm xương tủy), gây nhiễm trùng huyết và đe dọa tính mạng người bệnh.

I. Đối tượng nguy cơ cao bị loét tì đè:

– Người cao tuổi, đặc biệt là người nằm lâu, bị suy giảm chức năng vận động.

– Người bệnh sau tai biến mạch máu não, hôn mê, chấn thương cột sống, tủy sống.

– Người có bệnh lý nền như: đái tháo đường, suy thận mạn, ung thư, suy dinh dưỡng.

– Người bị rối loạn cảm giác đau hoặc rối loạn ý thức.

– Người có làn da ẩm ướt kéo dài do tiểu không kiểm soát, mồ hôi nhiều hoặc dịch tiết từ vết thương.

II. Dấu hiệu cảnh báo sớm loét tì đè:

​1. Giai đoạn sớm (độ 1-2):

– Da vùng tì đè ửng đỏ không mất đi khi ấn.

– Cảm giác nóng, rát, tê bì hoặc đau nhức.

– Xuất hiện nốt phồng, mụn nước dễ vỡ, da bong tróc.

​2. Giai đoạn tiến triển (độ 3-4):

– Màu da biến đổi: đỏ → tím tái → đen (dấu hiệu mô hoại tử).

– Xuất hiện vết loét sâu, có dịch mủ, mùi hôi.

– Có thể thấy tổ chức hoại tử khô, mảng mô chết đen cứng.

– Người bệnh có thể sốt, đau toàn thân, biểu hiện nhiễm trùng nặng.

III. Vị trí dễ bị loét tì đè nhất:

– Vùng xương nhô: gáy, bả vai, vùng cùng cụt, mông, gót chân, mắt cá, khuỷu tay.

– Vành tai ở người nằm nghiêng lâu.

IV. Cách phòng ngừa hiệu quả loét tì đè:

1. Chăm sóc vận động:

– Người bệnh nằm bất động: Xoay trở mỗi 2 giờ/lần, thay đổi tư thế đều các bên.

– Người bệnh ngồi lâu: Thay đổi tư thế mỗi 15–30 phút.

2. Dụng cụ hỗ trợ:

– Dùng nệm chống loét (nệm hơi, nệm nước).

– Sử dụng gối cao su mềm hoặc vải, gạc lót tại các điểm tì đè.

3. Chăm sóc da đúng cách:

– Giữ da khô thoáng, tránh ẩm ướt từ mồ hôi, nước tiểu.

– Vệ sinh da nhẹ nhàng, tránh chà xát mạnh gây tổn thương.

– Xoa bóp nhẹ nhàng vùng tì đè để tăng tuần hoàn máu.

4. Chế độ dinh dưỡng:

– Tăng cường đạm (protein): thịt, cá, trứng, sữa,…

– Bổ sung vitamin C, E, kẽm, sắt hỗ trợ làm lành mô (cam, bưởi, rau xanh, hạt).

– Uống đủ nước, tránh các thức ăn dễ gây viêm hoặc sẹo xấu như rau muống, đồ nếp.

V. KHI NÀO CẦN ĐIỀU TRỊ NỘI TRÚ?

– Người bệnh cần được đưa đến cơ sở y tế ngay khi:

– Có dấu hiệu nhiễm trùng: sốt, mủ chảy, vùng loét sưng đau, mùi hôi.

– Vết loét tiến triển nhanh, hoại tử mô, lan rộng.

– Người bệnh có bệnh nền phức tạp, không thể tự chăm sóc tại nhà.

– Loét độ 3-4, cần xử lý phẫu thuật, cắt lọc hoại tử hoặc điều trị bằng kháng sinh đường tĩnh mạch.

VI. Tại Bệnh viện, người bệnh sẽ được:

– Theo dõi sát các chỉ số sinh tồn.

– Chăm sóc vết loét đúng quy trình vô khuẩn.

– Đánh giá mức độ loét bằng hệ thống phân độ chuẩn (Braden, PUSH…).

– Phối hợp điều trị đa chuyên khoa: Nội khoa, Dinh dưỡng, Vật lý trị liệu.

VII. LỜI KHUYÊN TỪ NHÂN VIÊN Y TẾ:

Loét tì đè không chỉ gây đau đớn mà còn đe dọa tính mạng nếu không được xử trí đúng cách. Tuy nhiên, hoàn toàn có thể phòng ngừa bằng chăm sóc chủ động và đúng kỹ thuật.

👉 Hãy:

– Theo dõi thường xuyên làn da người bệnh.

– Chủ động phòng ngừa thay vì đợi có dấu hiệu loét.

– Tham khảo ý kiến Bác sĩ hoặc Điều dưỡng chuyên môn nếu thấy bất kỳ bất thường nào.

📞 Nếu bạn đang chăm sóc người thân nằm lâu, đừng chủ quan. Hãy đưa người bệnh đi khám tại cơ sở y tế sớm để được hướng dẫn điều trị phù hợp và an toàn.

Tác giả: CNĐD. Nguyễn Thị Thu Hằng
Khoa Y học cổ truyền
Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh – Cơ sở 3