Nhĩ châm – Châm cứu ở loa tai có tác dụng gì?
Nhĩ châm – châm cứu ở loa tai là một trong những phương pháp châm cứu độc đáo của Y học cổ truyền và được ứng dụng rộng rãi trong điều trị nhiều bệnh lý.
Ưu điểm nổi bật của liệu pháp Loa tai
– Chữa được nhiều loại bệnh và chứng thường gặp hằng ngày.
– Kết quả đạt được tương đối nhanh, có khi ngay từ những mũi kim đầu tiên. Các tác dụng giảm đau, tiêu viêm, chống ngứa, cấp cứu ngất lịm hoặc say nắng, say nóng hạ nhiệt, đau do đụng dập…
– Ngoài tác dụng điều trị, còn có tác dụng chẩn đoán bệnh, dự phòng trong một số bệnh.
– Rất ít hoặc không có biến chứng hoặc tác dụng phụ.
– Kỹ thuật đơn giản dễ học dễ làm, và có thể ứng dụng mọi lúc mọi nơi.
Cơ chế tác dụng của liệu pháp Loa tai
Theo y học hiện đại (YHHĐ)
– Loa tai là nơi phân bố rất nhiều nhánh thần kinh (chủ yếu là nhánh cảm giác) và mạch máu. Các nhánh thần kinh này lại thuộc các dây thần kinh (dtk) có vai trò quan trọng nhất đối với vòng cung phản xạ như các dtk sinh ba (V3), mặt (VII), lưỡi hầu (IX), phế – vị (X) và dtk cổ C2 – C3, vì vậy da loa tai là vùng thụ cảm giác quan quan trọng, có thể tiếp nhận mọi cảm giác từ các bộ phận của thân thể và các phủ tạng do các xung động xuất phát từ các vùng thuộc hệ thần kinh giao cảm và phó giao cảm, các vùng dưới đồi, đồi não và vỏ não được dẫn truyền tới loa tai (P. Nogier 1968, J. Bossy 1970, H. Jarricot 1973). Khi châm trên các huyệt trên loa tai sẽ sinh ra những xung động kích thích mạnh, đi trực tiếp đến các bộ phận thụ cảm giác quan ở các khu vực rộng rãi của não trung gian ở trên, hành não đến tiết đoạn C1 – C4 ở dưới, sau khi đi qua và chịu sự điều hòa của thân não để tạo ra ngưỡng phản xạ có tác dụng chữa bệnh.
– Như vậy, khi kích thích các huyệt trên loa tai, có thể xuất hiện nhiều loại phản ứng tại các trung khu tự động hô hấp, tuần hoàn, trương lực cơ… nằm trong hệ lưới, tại các trung tâm của đồi não điều hòa nhiệt độ, cảm giác no, đói, khát, điều hòa chuyển hóa nước và các điện giải, tại hệ thống điều hòa thần kinh – nội tiết của hệ thống đồi não – tuyến yên, tại các trung tâm ly tâm của các hệ thống giao cảm và phó giao cảm ở đồi não, các trung tâm ly tâm này sẽ tác động này sẽ tác động thông qua hệ lưới đến các tiết đoạn thần kinh tủy sống và qua các dây thần kinh ngoại biên đến các phủ tạng có liên quan (RA. Durinian 1981 – 1983).
Theo y học cổ truyền (YHCT)
Theo YHCT liệu pháp loa tai có thể chẩn đoán và điều trị bệnh tật vì tai không phải là một khí quan cô lập mà lại có quan hệ mật thiết với các bộ phận khác trong toàn thân, với lục phủ ngũ tạng thông qua hệ thống kinh lạc.
– Mạch của Thủ thiếu dương (Tam tiêu) chạy lên gáy, liên lạc sau tai. Chạy thẳng lên góc trên tai, đi từ sau tai vào trong tai rồi lộn ra ngoài trước tai.
– Mạch của Thủ thái dương (Tiểu trường) có nhánh từ huyệt khuyết bồn đi lên qua cổ, má, đuôi mắt rồi chuyển vào trong tai…
– Mạch của Túc thiếu dương (Đởm) có nhánh từ sau tai đia vào trong tai rồi ra trước tai…
– Mạch của Túc thái dương (Bàng quang) có nhánh đi từ đinh đầu đến góc trên tai…
– Mạch của Túc dương minh vị (Vị) đi dọc từ huyệt Giáp xa lên trước tai…
– Biệt lạc của Túc dương minh (Đại trường) có tên gọi là Thiên lịch đi vào tai, hợp với tông mạch.
Như vậy cả sáu đường chính kinh dương đều tuần hoàn qua tai. Còn sáu đường kinh âm tuy không trực tiếp đi qua nhưng do các đường lạc hoặc kinh biệt của các kinh âm đều nối với đường kinh dương nên cũng đều có quan hệ gián tiếp với tai.
Kết hợp hai nền Y học (Y học cổ truyền và Y học hiện đại) trong liệu pháp Loa tai
Hai trường phái y học phương Đông và y học phương Tây có quan điểm rất khác nhau về cơ chế tác dụng của liệu pháp loa tai. Tuy nhiên giữa hai trường phái có những điểm nhận xét giống nhau như:
– Loa tai không phải là một khí quan cô lập mà có liên quan mật thiết với tất cả các cơ quan, bộ phận trong cơ thể.
– Khi cơ thể có bộ phận bị bệnh, trên loa tai sẽ có những biểu hiện thấy được ở các huyệt tương ứng với bộ phận bị bệnh ở ngoại biên.
– Khi kích thích các huyệt loa tai có thể làm khỏi bệnh hoặc giảm bệnh. Tác dụng điều trị này có được là do cơ thể phát huy khả năng của chính bản thân mình, tự điều chỉnh việc loại trừ các yếu tố bất lợi, có thể không cần tới sự can thiệp của thuốc men.
Tác giả bài viết: BS CKI. Võ Văn Long