Những thói quen gây đau lưng, đau cổ nhiều người mắc phải?
Ngày nay, nhiều người vẫn xem nhẹ các triệu chứng đau lưng hay cổ vai gáy. Tuy nhiên, nhiều trường hợp không chỉ là cơn đau tạm thời mà có thể là dấu hiệu của những bệnh lý nghiêm trọng.
Bác sĩ chuyên khoa I – Lê Thị Thúy Hằng, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM – Cơ sở 3, cho biết cột sống là một cấu trúc gồm xương và mô liên kết, có tính chất chắc chắn và linh hoạt, giúp con người có thể cúi, gập, nghiêng, xoay. Cấu trúc này không chỉ giúp bảo vệ tủy sống mà còn nâng đỡ phần đầu và là điểm tựa cho các xương sườn, khung chậu và cơ vùng lưng cũng như chi trên. Các đoạn của cột sống bao gồm: Cột sống cổ, ngực, thắt lưng, cùng cụt.
“Trong cuộc sống hằng ngày, cột sống, đặc biệt là ở vùng cổ và thắt lưng, phải chịu áp lực lớn từ các hoạt động như ngồi lâu, nâng vật nặng, hoặc do những tư thế sai trong lao động và sinh hoạt. Điều này làm cho các bệnh lý như thoái hóa và thoát vị đĩa đệm thường xuyên xuất hiện ở những đoạn cột sống này”, bác sĩ Thúy Hằng nói.
💠Nguyên nhân gây đau lưng, cổ vai gáy
Cụ thể, những cơn đau cục bộ ở vùng lưng và cổ vai gáy được bác sĩ giải thích bằng những nguyên nhân phổ biến sau:
– Thoát vị đĩa đệm: Xảy ra khi đĩa đệm bị lệch ra khỏi vị trí ban đầu, gây chèn ép lên dây thần kinh.
– Thoái hóa cột sống: Một tình trạng lão hóa của cột sống khiến các khớp trở nên cứng và mất đi sự linh hoạt.
– Căng cơ và chấn thương: Có thể do vận động quá mức hoặc do xảy ra các tai nạn, va chạm.
– Hoạt động sai tư thế: Ngồi lâu, cúi người, hoặc xách vật nặng không đúng cách gây áp lực lên cột sống, dẫn tới tình trạng đau ở một số vùng.
Mức độ nghiêm trọng của cơn đau phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tuổi tác, giới tính, cơ địa của người bệnh, áp lực cơ học từ hoạt động thường ngày, và đặc biệt là tình trạng bệnh lý kèm theo. Dù ít hay nhiều, những cơn đau cũng ảnh hưởng và thậm chí là làm gián đoạn các hoạt động thường ngày.
“Đối với những cơn đau cấp tính, người bệnh thường cảm thấy đau nhức rõ rệt, trong khi đau mạn tính có thể kèm theo các triệu chứng như tê bì tay chân nếu rễ thần kinh bị chèn ép”, bác sĩ Thúy Hằng chia sẻ.
💠Không nên nằm võng khi đau cột sống
Để phòng ngừa và giảm nhẹ các triệu chứng đau cột sống, theo bác sĩ Lê Thị Thúy Hằng, người bệnh cần lưu ý đến lối sinh hoạt và các thói quen thường ngày.
Trước nhất, cần để ý đến cân nặng và giảm cân nếu cơ thể đang trong tình trạng thừa cân, béo phì. Điều này giúp giảm tải trọng cho cột sống, nhất là đối với vùng thắt lưng. Việc tập thể dục với các bài tập nhẹ nhàng như yoga, bơi lội và đi bộ mỗi ngày cũng giúp cột sống được linh hoạt hơn, đồng thời giảm nguy cơ thoái hóa.
Trong các hoạt động bình thường, mọi người nên tránh khom lưng, cúi cổ quá mức hay xách nặng, vì điều này làm tăng áp lực lên cột sống, gây căng cơ, về lâu dài sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới các đốt sống trên cơ thể.
Ngoài ra, cần tránh ngồi hoặc đứng quá lâu, bác sĩ khuyến khích mọi người nên thay đổi tư thế sau mỗi 45-60 phút để giảm áp lực cột sống. Tránh sử dụng nệm quá mềm hoặc nằm võng, bởi nệm lún và võng không hỗ trợ tốt cho cột sống, dễ gây đau lưng, nhất là đối với người cao tuổi.
Bác sĩ Thúy Hằng cảnh báo thêm, người có những triệu chứng đau lưng hoặc cổ gáy đặc biệt tránh tự ý uống thuốc không rõ nguồn gốc, vì có thể dẫn đến nhiều tác dụng phụ nguy hiểm. Người bệnh cần đi thăm khám ngay nếu có các dấu hiệu đau kéo dài. Quan trọng hơn, bác sĩ cho biết việc chăm sóc và phòng ngừa đau cột sống đòi hỏi sự thay đổi tích cực từ lối sống và thói quen sinh hoạt. Vì vậy, mọi người cũng nên chú ý có nếp sinh hoạt lành mạnh, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và bảo vệ sức khỏe lâu dài.
Tác giả: Bác sĩ Chuyên khoa I – Lê Thị Thúy Hằng
Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM – Cơ sở 3