Tiểu dầm ở trẻ em – Y học cổ truyền điều trị như thế nào?
Tiểu dầm là bệnh lý khi mà trẻ không tự chủ được việc đi tiểu (đi tiểu tự phát trong khi ngủ và không nhận ra cho đến khi thức dậy) gặp ở trẻ em trên 5 tuổi, xảy ra thường xuyên vào ban đêm hoặc lúc ngủ trưa.
Nếu trẻ từ 5 tuổi trở lên đi tiểu nhiều lần không chủ ý sau khi ngủ, hơn 2 lần một tuần và kéo dài ít nhất 3 tháng, nhưng không có hiện tượng này khi thức thì được coi là bất thường.
Chú ý: Tiểu dầm ở trẻ dưới 3 tuổi hầu như không phải là bệnh lý. Đây là do trung tâm tiết niệu của não chưa phát triển đầy đủ để kiểm soát và thói quen đi tiểu ở trẻ dưới 3 tuổi chưa được hình thành.
Trên lâm sàng thường phân thành 2 loại là tiểu dầm nguyên phát và tiểu dầm thứ phát. Tiểu dầm nguyên phát là tình trạng xảy ra ở trẻ không thể kiểm soát việc đi tiểu vào ban đêm trong ít nhất 6 tháng. Trong khi tiểu dầm thứ phát là khoảng ít nhất 6 tháng trẻ không bị tiểu dầm nhưng sau đó lại bị tiểu dầm về đêm.
Không chỉ có một nguyên nhân duy nhất gây tiểu dầm ở trẻ. Tiểu dầm có thể do một số yếu tố khác nhau cùng hiện diện như:
- Di truyền trong gia đình: Các nghiên cứu cho thấy 44% khả năng mắc bệnh tiểu dầm ở trẻ em có cha hoặc mẹ bị bệnh và 77% ở những trẻ có cả cha và mẹ bị bệnh.
- Trẻ mệt mỏi và ngủ quá say không thể thức dậy để đi tiểu.
- Căng thẳng tinh thần quá mức.
- Táo bón.
- Chứng ngưng thở khi ngủ.
- Dung tích bàng quang nhỏ.
- Nhiễm trùng đường tiết niệu.
- Sự bất thường về cấu trúc giải phẫu hệ tiết niệu như bàng quang bị dị tật bẩm sinh hay do rối loạn chức năng đóng mở cơ thắt bàng quang do đái tháo nhạt, tật nứt đốt sống, bàng quang tăng hoạt,…
- Viêm màng não, động kinh, chấn thương sọ não, chấn thương cột sống,…gây ảnh hưởng dẫn truyền thần kinh và hệ tiết niệu.
Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh của bệnh tiểu dầm được y học cổ truyền nhìn nhận như sau:
– Tiểu dầm xảy ra do thể chất tiên thiên bất túc hoặc hậu thiên thất dưỡng khiến thận khí, thận dương không đủ, hạ nguyên hư hàn không thể tàng trữ tân dịch, rối loạn công năng khí hóa, lợi thủy và điều khiển đóng mở tiền âm, hậu âm mà sinh tiểu dầm.
– Tỳ Phế khí hư: Tỳ hư không thể vận hóa thủy dịch, Phế khí suy không thể thông điều thủy đạo kết hợp trung khí hạ hãm không cố nhiếp được, bàng quang mất chức năng chế ước nên xảy ra chứng tiểu dầm.
– Ngoài ra, do cách chăm sóc không đúng và cho trẻ đi tiểu không đúng cách nên trẻ thường xuyên dùng tã lót, đi tiểu mọi lúc mọi nơi, lâu dần sẽ ảnh hưởng đến khả năng dự trữ của bàng quang, giảm đi sự chế ước, khí hóa của bàng quang cũng là nguyên nhân gây ra bệnh tiểu dầm.
– Cũng có trường hợp nhịn tiểu, không đi tiểu kịp thời sẽ cản trở quá trình chế ước, khí hóa của bàng quang. Nước tiểu ứ đọng lâu ngày sinh thành thấp nhiệt, thấp nhiệt theo kinh mạch truyền đến bàng quang cũng có thể gây ra tiểu dầm (tình trạng này đặc biệt hay xảy ra ở trẻ em từ 8-9 tuổi).
Y học cổ truyền điều trị như thế nào?
Tùy theo thể bệnh mà Y học cổ truyền dùng các bài thuốc như Tang phiêu tiêu tán gia giảm, Súc tuyền hoàn, Bổ trung ích khí thang gia giảm,… để ôn bổ Thận dương, kiện Tỳ, ích Phế, sáp niệu. Ngoài ra, việc phối hợp châm cứu với nhĩ áp điều trị tiểu dầm nguyên phát ở trẻ cũng ghi nhận hiệu quả khá rõ nét bên cạnh việc sử dụng thuốc:
- Châm các huyệt như Thận du, Bàng quang du, Khí hải, Trung cực, Túc tam lý, Tam âm giao (Bổ pháp), mỗi ngày 1 lần, lưu kim 30 phút, 10 lần là một liệu trình. Tùy theo chứng trạng mà có thể gia giảm thêm Bách hội, Quan nguyên nếu số lần tiểu đêm nhiều; Tỳ du, Thiên xu nếu có đại tiện phân lỏng kèm theo; Mệnh môn nếu kèm triệu chứng tay chân lạnh.
- Các huyệt nhĩ áp phối hợp: Thận, Bàng quang, Dưới vỏ ở một bên tai, gài lưu kim trong 3 ngày sau đó đổi sang tai còn lại, cứ 10 lần thành một liệu trình, hướng dẫn trẻ day ấn nhĩ áp từ 3-4 lần/ngày để tạo kích thích tại các vị trị huyệt đã dán. Gia thêm huyệt Nội tiết, Não nếu có kèm chứng trạng Thận khí bất túc.
Xoa bóp bấm huyệt có tác dụng bổ thận, cường dương, ổn định công năng khí hóa, chế ước của bàng quang, có tác dụng tốt trong điều trị chứng tiểu dầm ở trẻ em.
Trong quá trình điều trị, cần giáo dục và hướng dẫn trẻ một số biện pháp hành vi trước ngủ giúp nâng cao hiệu quả điều trị như hạn chế nước sau bữa ăn tối của trẻ, nếu trẻ quá khát nước hãy cho trẻ uống một ngụm nước nhỏ; trước khi đi ngủ hãy cho trẻ đi tiểu thật sạch; không sử dụng bỉm cho trẻ khi ngủ đêm tại nhà; thời điểm trẻ tiểu dầm ba mẹ cố gắng đánh thức để trẻ thực sự tỉnh dậy đi tiểu, giúp não bộ nhận được tín hiệu, từ đó hình thành thói quen đi tiểu mới hiệu quả.
Tác giả: Bác sĩ Chuyên khoa I Bùi Thị Yến Nhi