Ù tai ở người lớn tuổi cần chú ý vấn đề gì?

Thông tin y tế sức khỏe - 04/03/2025

Ù tai ở người lớn tuổi có thể liên quan đến cao huyết áp, xơ vữa động mạch hoặc thoái hóa thần kinh. ThS.BS Lê Ngô Minh Như khuyến nghị thăm khám định kỳ, kiểm soát bệnh nền, kết hợp liệu pháp âm thanh, chế độ ăn hợp lý và lối sống lành mạnh để giảm tác động của ù tai.

Ù tai cần đặc biệt chú ý ở người lớn tuổi vì mang nhiều tác hại nguy hiểm. Việc kiểm soát bệnh nền, các bệnh lý liên quan đến ù tai cũng quan trọng ở nhóm người này.

Nguy cơ đột quỵ và nhồi máu cơ tim

Thạc sĩ – bác sĩ Lê Ngô Minh Như, Phòng khám Ngũ Quan (Tai mũi họng – Mắt), Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM – Cơ sở 3, cho biết: “Ù tai ở người cao tuổi có thể là dấu hiệu của bệnh cao huyết áp, xơ vữa động mạch hoặc u mạch máu. Những tình trạng này tiềm ẩn nguy cơ đột quỵ hoặc nhồi máu cơ tim. Bên cạnh đó, hiện tượng ù tai cũng có thể liên quan đến thoái hóa dây thần kinh thính giác hoặc não bộ như bệnh Alzheimer, Parkinson. Các bệnh như Meniere hoặc u dây thần kinh thính giác cũng nguy hiểm nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời”.

Đáng chú ý, nếu ù tai đi kèm chóng mặt, người cao tuổi có nguy cơ cao bị té ngã, dẫn đến gãy xương hoặc chấn thương nặng. Nếu tình trạng ù kéo dài có thể gây kích thích hệ thần kinh, dẫn đến tăng huyết áp hoặc đau đầu mãn tính.

Người lớn tuổi thường dễ bị lo lắng vì không hiểu rõ nguyên nhân gây ù tai. Tiếng ù tai liên tục, đặc biệt khi kéo dài, dễ dẫn đến cảm giác bế tắc và trầm cảm, thậm chí hình thành cảm giác cô lập khiến người lớn tuổi ngại giao tiếp, từ đó dẫn đến cảm giác cô đơn.

Cách giảm tác động ù tai đối với người lớn tuổi

Thăm khám y tế định kỳ: Người cao tuổi cần khám tai-mũi-họng và tim mạch định kỳ để phát hiện sớm các bệnh lý liên quan đến ù tai. Nếu do bệnh lý (như cao huyết áp, viêm tai), việc điều trị bệnh chính sẽ giúp giảm ù tai. Một số trường hợp có thể được kê thuốc giảm triệu chứng theo chỉ định của bác sĩ.

Các phương pháp hỗ trợ khác có thể được sử dụng khi thăm khám như:

  • Liệu pháp hành vi nhận thức (CBT): Giúp người bệnh quản lý tâm lý, giảm lo âu và cải thiện khả năng chịu đựng hiện tượng ong tai.
  • Liệu pháp âm thanh: Dùng các âm thanh dễ chịu (tiếng mưa, sóng biển) để làm dịu cảm giác ù tai.

Chú ý chế độ ăn uống:

– Duy trì chế độ ăn ít muối để giảm nguy cơ tích tụ dịch trong tai trong.

– Bổ sung thực phẩm giàu vitamin nhóm B (B1, B6, B12), kẽm, và magnesium, vì chúng có lợi cho sức khỏe thần kinh và thính giác.

Sử dụng thiết bị hỗ trợ:

Máy trợ thính hoặc thiết bị giảm tiếng ong tai (tinnitus masker) có thể giúp làm dịu cảm giác ù tai.

Thay đổi lối sống:

Tránh các chất kích thích như caffeine, rượu, thuốc lá. Thực hành kỹ thuật thư giãn như yoga, thiền định để giảm căng thẳng.

Kiểm soát các bệnh lý nền:

Quản lý tốt bệnh lý như cao huyết áp, tiểu đường hoặc các vấn đề mạch máu để giảm thiểu triệu chứng.

Môi trường sống phù hợp:

Giảm tiếng ồn trong môi trường xung quanh và sử dụng âm thanh dễ chịu (như tiếng mưa hoặc sóng biển) để làm dịu tiếng ù tai.

Người bị ù tai nên tìm đến bác sĩ ngay nếu có các triệu chứng sau: Ù tai kéo dài hơn một tuần hoặc ngày càng trầm trọng, kèm theo chóng mặt, mất cân bằng; đau tai, chảy dịch, hoặc giảm thính lực đột ngột; tiếng ù tai kèm nhịp đập, đặc biệt khi nằm.

Người bệnh cần duy trì thói quen khám sức khỏe định kỳ để theo dõi diễn tiến bệnh, đặc biệt nếu triệu chứng không cải thiện hoặc kèm theo chóng mặt, mất thính lực.

Thạc sĩ – Bác sĩ Lê Ngô Minh Như

Phòng khám Ngũ Quan

Theo Báo Thanh Niên

————————-

Mọi chi tiết xin liên hệ:

Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM – Cơ sở 3

221B Hoàng Văn Thụ – Phường 8 – Quận Phú Nhuận – TPHCM

Thời gian hoạt động:

– Thứ 2 đến Thứ 6 sáng từ 7h00 – 11h30, chiều từ 13h00 – 16h30.

– Thứ 7 từ 7h00 – 11h30, chiều Thứ 7 và ngày Chủ Nhật nghỉ.

Điện thoại: 02838.444.771 – 02838.420.070